Nghề đúc chuông đồng

Nghề đúc chuông đồng tại thị trấn Long Điền, được hình thành từ năm 1968, duy trì và phát triển đến ngày nay. Nhiều sản phẩm như: nồi, chuông, tượng… đã xuất hiện nổi tiếng trên thị trường các tỉnh Nam bộ.
Nghề đúc chuông đồng Long Điền đã trải qua bao đời, lưu giữ các nét hoa văn, họa tiết độc đáo, mang đặc trưng của văn hóa Việt.
Sản phẩm của các cơ sở đúc đồng khá phong phú gồm các đồ thờ cúng gia tiên, chân đèn, lư hương, đỉnh hương, bát hương, đồ pháp khí sử dụng trong cung đình, chùa, đại hồng chung, tiểu hồng chung, chiêng, chuông, chập chã… và cả đồ sử dụng trong gia đình như mâm, nồi, cơi đựng trầu, đồ dã trầu, … Các sản phẩm này phần lớn đều đúc theo đơn đặt hàng của khách địa phương hoặc ở miền Trung, miền Tây Nam bộ, Tây Nguyên hoặc ký gửi bán tại thành phố Hồ Chí Minh. Được thị trường tiêu thụ chấp nhận, nghề đúc đồng truyền thống ở Bà Rịa – Vũng Tàu có điều kiện duy trì hoạt động.
Các sản phẩm đồng của Long Điền được trạm trổ đẹp mắt và sáng bóng
Để làm ra sản phẩm đúc đồng hoàn chỉnh đạt chất lượng cao và mỹ thuật là một quá trình lao động sáng tạo, công phu với nhiều công đoạn tỉ mỉ, phức tạp. Từ khâu chuẩn bị nguyên liệu đến khâu tạo ra khuôn đúc, rồi tu chỉnh, hoàn thiện sản phẩm.
Hiện nay, nguồn nguyên liệu cung cấp cho nghề đúc đồng càng ngày khan hiếm, hầu hết các cơ sở phải mua lại đồng phế liệu trôi nổi với giá không ổn định từ các vựa ve chai. Một mẻ nung nguyên liệu mất từ 4-5 tiếng đồng hồ, chỉ nấu được 150 kg đồng. Thay vì nồi gang trước đây các cơ sở đã dùng bình chứa khí đá phía ngoài đắp thêm 2 cm đất sét, đây cũng là một bước cải tiến độc đáo của làng nghề.
Để bảo đảm cho sản phẩm bền đẹp, các nghệ nhân đã dành nhiều công sức và thời gian để tạo ra khuôn đúc chất liệu bằng đất sét được lọc thật kỹ. Khuôn đúc đồng gồm có hai khuôn, một khuôn bên trong, một khuôn bao phía ngoài. Đối với các sản phẩm như lư hương, đại hồng chung đòi hỏi phải có nhiều hoa văn trang trí công phu. Các nghệ nhân lại càng phải khéo léo để tạo nên những hình ảnh họa tiết vừa uyển chuyển, sắc sảo lại sống động.
Đối với các sản phẩm thuộc về nhạc khí, nghệ nhân phải biết pha trộn tỷ lệ đồng nguyên chất và chất ngân (một loại hợp kim) để tạo ra những cung bậc âm thanh trầm bổng, vang ngân, trong sáng, ấm áp… Đây là kinh nghiệm bí truyền phải trải qua nhiều đời, nhiều năm học hỏi và thực hành nhuần nhuyễn mới có được.
Tận mắt chiêm ngưỡng những chiếc đại hồng chung màu vàng au, óng ánh với những hình hoa văn đôi rồng uốn lượn, hoa cúc, hoa dây mặt trời, bánh xe luân hồi, sóng nước, kỷ hà… mới thấy hết cái tài của người nghệ nhân. Bố cục hoa văn được sắp xếp chặt chẽ, hài hòa, sống động chân thực đến từng chi tiết. Trước khi mua, khách hàng cầm chiếc vồ bằng gỗ, gõ thử vào núm chuông, những âm thanh nghe trầm ấm, âm vang rồi lan xa như muốn ngân mãi trong không gian.
Việc giữ gìn và bảo tồn nghề đúc đồng là một việc làm hết sức cần thiết. Đây thực sự là tài sản văn hóa lâu đời là một nghề thủ công truyền thống cần được bảo tồn, phát huy.
Thông tin liên hệ: Phòng Văn hóa Thông tin huyện Long Điền
Điện thoại: 0254 3862 046
Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *